Nếu dăm bảy năm về trước, dù bạn ra đường với cả tá hàng hiệu trên người thì cũng không có ai liếc mắt trầm trồ. Nhưng giờ đây, “thời trang hàng hiệu” đã thực sự là trợ thủ đắc lực để bạn thể hiện đẳng cấp. Trào lưu mua sắm hàng hiệu vì thế cũng trở nên muôn hình muôn vẻ.
Cuối năm là dịp thị trường thời trang cao cấp nóng lên với những chiến dịch quảng cáo, khuyến mại, những chương trình chăm sóc khách hàng. Lượng khách mua sắm cuối năm ở những trung tâm thương mại cao cấp như Diamond, Parkson, các shop trên đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ (TP.HCM), Vincom, Parkson, Tràng Tiền Plaza và nhiều điểm trên phố Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)… cũng gia tăng vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, theo dánh giá của các nhân viên bán hàng cũng như quản lí cửa hàng tại không ít shop thời trang hàng hiệu, 2 năm trở lại đây, doanh thu tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân nào có thể lí giải sự tăng trưởng chậm này trong khi mức sống của người dân ngày càng cao, và nhu cầu mua sắm hàng hiệu của một bộ phận không nhỏ những người có địa vị xã hội, có thu nhập cao ngày càng gia tăng? Một trong những lí do được nhiều người đồng tình – đó là hiện nay, người ta không cần phải đến tận cửa hàng mới có thể sở hữu được những món hàng thời trang cao cấp. Những người nhiều tiền nhưng nghèo thời gian, lại năng động và thích ứng nhanh với cái mới đã chọn cách mua sắm trên mạng, vừa tiện lợi lại tiết kiệm chi phí, hơn thế còn thể hiện “phong cách” của người trẻ sành điệu.
Muôn nẻo đường du nhập
Không tính những loại hàng hiệu “made in Bến Thành” hay “made in Đồng Xuân”, cũng không tính những loại hàng nhái cao cấp từ Trung Quốc, Đài Loan, Việt nam xuất theo “tiêu chuân Châu Âu” mà giới sành hàng hiệu quen gọi là hàng fake, hàng hiệu “xịn” trên mạng có những con đường đến với người tiêu dùng rất riêng.
Xu xu là cái nick khá quen thuộc trên site mua bán enbac. Cô bé sinh năm 86, hiện đang du học ở Mỹ. Shop online của cô trên trang mua bán luôn xôm tụ. Khách hàng chỉ cần chọn mẫu theo hình ảnh, sau đó chuyển khoản 60% giá trị hàng hóa, sau từ 7 – 10 ngày là hàng sẽ về. Phổ biến nhất là áo khoác, túi xách, nước hoa, mỹ phẩm, kính mắt có tem nhãn chứng thực made in USA nghiêm chỉnh. Chất lượng hàng hóa rất đẹp mà giá lại mềm hơn so với các cửa hàng tới 20 – 30%. Với khỏang 1 triệu đến 2,5 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc túi xách hay một đôi giày Nine West long lanh, còn những chiếc xắc tay nho nhỏ chỉ có giá từ 400 – 700 ngàn đồng. Hay một chiếc quần jeans Levi’s giá chỉ khoảng 600 ngàn đến 1 triệu, rẻ hơn một nửa so với giá thị trường. Chai nước hoa CK Contradiction 50ml bán tại Vincom là 82$, Xu xu chỉ nhập về và bán ra với giá 63$.
Còn Nhật – du học sinh ngành Quản lí khách sạn tại Ý thì lại chuyên nhập túi xách của hãng Fendi danh tiếng và đôi khi có cả sản phẩm của Bottega Veneta. Anh chàng 29 tuổi này dường như rất hiểu chị em phụ nữ và cũng có gu thẩm mỹ khá ổn nên những chiếc túi xách với những chữ “F” huyền thoại được chọn khá hoàn hảo. Dù cho chiếc đắt nhất trên shop online của Nhật đôi khi lên tới cả vài ngàn $ thì đó vẫn là cái giá mềm mại so với thị trường.
Những du học sinh như Xuxu, như Nhật cũng làm luôn cả công việc order hàng trên các site bán hàng trực tuyến của các hãng danh tiếng. Bạn muốn có mẫu áo của Lacos, mẫu giày của Bebe hay bất kì một sản phẩm thời trang nào khác trên các website của chính hãng đó hoặc các site bán hàng trực tuyến của nước ngoài, nhóm những du học sinh sẽ giúp bạn order hàng nhanh gọn. Tiền sản phẩm được tính rất đơn giản: giá trên website (qui đổi ngoại tệ) + tiền ship vận chuyển. Tuy nhiên, giá vận chuyển khá cao nên hình thức này thường được áp dụng khi người mua đặt hàng với số lượng lớn.
Ngoài con đường du nhập từ các du học sinh tại Mỹ, Anh, Nhật, Pháp…, những món thời trang hiệu Dior, CK, Dolce & Gabbana, Just Cavalli, Louis Vuitton, Versace, Gucci, United colors of Benetton, Lascote … còn về Việt nam qua tay các nhà buôn trẻ. Họ lập những website riêng để phân phối sản phẩm nhập về. Do có mối hàng tốt, lại không mất chi phí thuê cửa hiệu, nên giá những sản phẩm trên 1 số site như thoitranghanghieu, thoitrangmy,… bán các sản phẩm thời trang, accessories hiệu Marciano, Bebe, Guess, Armani Exchange, Nine West… với giá khá mềm. Một chiếc kính Armani hay Dior chính hãng sản xuất tại Ý có giá 140$ - 150$ (tại Tràng tiền Plaza là 200$ - 250$). Một chai Hypnose 30ml của Lancôme chỉ có giá 39$ (giá thị trường là khoảng 50$).
Còn 1 hình thức nữa mà giới săn đồ hiệu trên mạng khá thích thú – đó là chuyển nhượng. “Kính này papa đi Nhật mua về cho mình nhưng mình đeo không hợp, bán lại với giá…”; “Hàng xách tay xịn 100% nhưng tôi nhỏ con quá mặc không vừa…”… Những topic kiểu này xuất hiện khá nhiều trên các trang như muare, enbac, raovat… Vậy là nếu may mắn và sành mua, bạn có thể sở hữu 1 món đồ hiệu cực xịn với giá cực mềm, đôi khi chỉ bằng nửa giá gốc.
Còn nếu khả năng tài chính ít xông xênh hơn, cư dân mạng sẽ hướng nhiều đến dòng sản phẩm thời trang cao cấp nhập từ Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc. Áo khoác chất liệu dạ, kaki hoặc thô dáng dài may rất kiểu cách có giá từ 300 – 600 ngàn đồng. Áo len giá từ 180 – 350 ngàn đồng. Giày, bốt đủ các kiểu dáng, chất liệu giá từ 300 – 800 ngàn/đôi. Túi xách Quảng Châu từ 300-700 ngàn đồng/chiếc. Hàng có thể có sẵn hoặc phải chờ order từ 7 – 10 ngày. Chất lượng những mặt hàng này tất nhiên không thể so sánh với hàng hiệu nhưng cũng khá đẹp mắt, chuẩn phom và đặc biệt là rất hợp thời trang. Còn giá cả thì mềm hơn thị trường từ 30 – 50%.
Đa diện những “tín đồ”
Phỏng vấn nhanh những “tín đồ” của thời trang hàng hiệu trên Internet, có thể nhận thấy ngay họ chủ yếu thuộc nhóm đối tượng doanh nhân, nhân viên có thu nhập cao, tuỏi từ 25 – 45, có trình độ, hiểu biết và thích ứng nhanh với cái mới. Kim Hà là hoa khôi của công ty. Cô luôn là trung tâm chú ý của mọi người không chỉ vì đẹp mà còn vì sự sành điệu. Quần áo, túi xách, giày, đồ trang sức trên người Hà không món nào dưới 1 triệu đồng và toàn là đồ xịn của các hãng danh tiếng. Hà có người yêu làm phi công nhưng lại ít khi nhờ người yêu mua đồ vì theo cô, nếu không biết mua thì dù mua hàng ở các cửa hàng lớn ở Mỹ cũng vẫn dính phải đồ Made in China như thường. Hà thường tranh thủ lượn trên các website quen thuộc, thấy có món nào phù hợp thì trao đổi trực tiếp với người bán để thẩm định chất lượng, giá cả. Có lần, cô mua được chiếc kính Gucci với giá 200$ trong khi giá trên gucci.com là 240 bảng Anh, hay chiếc đồng hồ gucci gắn 34 viên kim cương 0,14 carat với giá hơn 1000$, chỉ bằng 2/3 so với giá trên gucci.com. Món đồ Hà yêu thích nhất tính đến thời điểm này là chiếc túi của Hermes được mệnh danh là “siêu cao cấp” giá 12 ngàn $ mà cô tậu được trên topic của 1 cậu lưu học sinh tại Singapore.
Chị P.H - trợ lí giám đốc của một hãng trang sức danh tiếng cũng là 1 tín đồ của hàng hiệu. Bất cứ khi nào có cơ hội, chị đều tranh thủ tậu cho mình những món đồ thời trang yêu thích. P.H có cả 1 bộ sưu tập những đầm Bebe, áo khoác Mango, túi xách, dây lưng, đồng hồ Gucci, và đặc biệt là hơn chục đôi giày Nine West đủ kiểu dáng, màu sắc.
Không chỉ đối với chị em, mà sức hút của hàng hiệu đã lan truyền sang cả cánh mày râu. Ngô Miên là ông chủ trẻ của một câu lạc bộ thể thao dành cho giới doanh nhân. Mua sắm những món đồ thời trang trên mạng là thú vui của Kiên. Nhãn hiệu anh mê nhất là Lacoste. Theo Miên, đã xài đồ của Lacoste một lần thì như bị nghiện. Anh đã trở thành khách “ruột” của một chủ topic tren shop360 chuyên nhập áo thun, giày, ví da… của Lacoste. Bộ sưu tập áo thun Lacoste của anh có đủ các sắc màu, kiểu dáng, mỗi chiếc anh mua giá trung bình từ 6 – 800 ngàn, rẻ hơn gần một nửa so với giá ở các cửa hàng trên Đồng Khởi. Kiên còn thành lập luôn 1 “câu lạc bộ” của những anh chàng mê sắm đồ hiệu qua mạng, có tin tức gì mới là thông tin cho nhau kịp thời. Khách đến CLB thể thao của Kiên cũng bị “lây” thú vui của ông chủ…
Những người như Kim Hà, P.H và Kiên đã làm nóng lên không khí đang ngày càng sôi động của thị trường hàng hiệu trên Internet. Họ mua vào, rồi bán ra khi size không vừa, màu sắc không phù hợp, hoặc thanh lý với giá chỉ bằng nửa hoặc 1/3 giá mua vào vì tủ quá chật, hay vì được người thân mua về tặng nhưng khôngớpử dụng được… Cứ như vậy, nhưng trang mua bán online lúc nào cũng xôm tụ ngay cả lúc 2-3h sáng.
Nếu chưa bao giờ mua sắm qua mạng, nhiều người sẽ đưa ra 101 lí do để chứng minh sự rủi ro của hình thức mua sắm này. Nhưng những người đã quen thuộc và có kinh nghiệm trong hình thức này khi được phỏng vấn đều cho rằng mua sắm thời trang qua mạng khá thú vị, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa có cơ hội làm đẹp, làm sang cho bản thân và khẳng định sẽ tiếp tục chung thuỷ với hình thức này. Còn nếu bạn là người thuộc phái “trung dung”, thì sẽ chẳng có cái kết nào hay hơn là chính câu chuyện của bạn!
Một số kinh nghiệm mua hàng hiệu qua mạng
- Kiểm tra thật kĩ các thông tin của người bán. Nên mua trên các site của người quen hoặc được người quen giới thiệu, đã có sự giám định của người mua trước.
- Hàng mua bằng hình thức order qua hình ảnh nên bạn cần chắc chắn về size trước khi đặt hàng. Tốt nhất hãy gửi số đo của mình cho người bán và nhờ họ tư vấn.
Hàng hiệu tinh tế đến từng chi tiết, từ logo đến khoá kéo, đường may… Hãy kiểm tra cẩn thận “hồ sơ” của món đồ (tem, mác, hộp đựng…) để tránh mua phải hàng fake (hàng nhái). Ví dụ quần jeans Levi’s xịn dòng Redlop thì chất vải dày nhưng rất mềm mại, hình 2 con ngựa kéo xe sau lưng quần in chìm vô cùng tinh tế, mặc đến khi rách cũng ko hề phai, hàng rởm thì dấu hiệu này sẽ kém tinh tế hơn và phai dần sau vài lần giặt.
0 comments:
Post a Comment